Friday, May 15, 2009

Đọc "Giải Thể Chế Độ Cộng Sản"

 
 
ĐỌC "GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN"

 của Luật sư Nguyễn Hữu Thống

 

 

Trần Bình Nam

 

Cuốn "Giải Thể Chế Độ Cộng Sản" (Câu Lạc bộ Văn Hóa Việt Nam xuất bản) của luật sư Nguyễn Hữu Thống vừa ra mắt tại San José, California, Hoa Kỳ là kết quả của một sự nghiên cứu công phu và dài ngày. Và dù khó tính đến đâu độc giả cũng bị tác phẩm cuốn hút ngay từ đầu. Một số lời bình luận được trích dẫn ở trang bìa sau của cuốn sách chứng tỏ điều này:

 

"Đi khắp Âu Châu và Mỹ Châu không thấy quyễn sách nào có tính vô tư, khách quan và thuyết phục như cuốn Giải Thể Chế Độ Cộng Sản. Nếu người dân trong nước hay biết những sự kiện lịch sử này thì nhất định sẽ có sự thay đổi" (nhà thơ Nguyễn Chí Thiện)

 

"Vấn đề giải thể chế độ cộng sản đã được đặt trên bình diện chiến lược" (giáo sư Đoàn Viết Hoạt)

 

"Rất nhiều cơ quan và đoàn thể đã hội thảo về việc giải thể cộng sản, nhưng đến nay mới có một tài liệu trình bày vấn đề một cách qui mô và khách quan" (giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng)

 

"Đây là một cuốn sách khách quan và công phu"(ông Nguyễn Sĩ Tế)

 

 "Những sự kiện lịch sử, và từ đó, những cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ, đã được nhìn thấy và nêu lên bởi một tác giả có thẩm quyền trên nhiều địa hạt. Những sự kiện này cần được phổ biến, đặc biệt là ở trong nước." (giáo sư Phạm Cao Dương)

 

"Tác giả đã khách quan trình bày về tiến trình giải thể cộng sản như mộ logic của tiến hóa lịch sử. Xu hướng bất biến phải như thế! Không thể cưỡng lại những lực lượng vượt qua tầm vóc con người. Người cộng sản đã chủ quan muốn nuôi những ảo tưởng viển vông để du nhập chủ thuyết vô sản quốc tế lỗi thời và phản tiến hóa. Con đường giải thể cộng sản là con đường tất yếu của trào lưu tiến hóa lịch sử." (giáo sư Vũ Quốc Thúc)    

 

 Tôi đồng ý với các nhận xét trên. Tôi chỉ xin nêu ra sau đây thêm vài nhận xét khác. Một tác phẩm được đánh giá từ nhiều góc cạnh sẽ làm cho giá trị tiềm tàng của tác phẩm tăng lên.

 

 

 

Nhưng trước hết hãy đi vào nội dung của cuốn sách. Tác giả đặt ngay trong phần nhận định tổng quát một sự khẳng định rằng không có cái gì gọi là "bất chiến tự nhiên thành." Nếu cộng sản quốc tế (và cộng sản Việt Nam) đã thắng là kết quả của "một công trình tổ chức, huấn luyện, đấu tranh trường kỳ và liên tục" của người cộng sản. Và sự "thoái trào của cộng sản (Đông Âu) cũng không phải là những lá khô cằn cỗi lần lượt rơi rụng trước trận gió chiều thu,". Nó là kết quả của cuộc đấu tranh "giải thể cộng sản diễn ra từ  gần 50 năm nay".

 

Từ tiền đề trên tác giả kết luận: "Sự suy tàn của cộng sản tại Đông Âu không phải là điều kiện cần và đủ để giải thể các chế độ cộng sản Đông Á. Muốn giải thể cộng sản (tại Việt Nam) và xây dựng dân chủ (chúng ta) phải hy sinh chiến đấu."

 

Để chứng minh tác giả đã phân tích cuộc đấu tranh của các nước Đông Âu và một số nước thuộc Liên bang Xô viết. Theo thứ tự thời gian trước hết là Đông Đức (1953). Sau đó là các nước Ba Lan (1956), Hung Gia Lợi (1956), Tiệp Khắc với mùa Xuân Parague (1968), và 3 nước Lithuania, Estonia, Latvia trong vùng biển Baltic (1989). Nhân dân các nước này đã kiên trì đấu tranh và đã chấp nhận đổ máu trước khi bước qua ngưỡng cửa dân chủ.

 

Qua các thí dụ trên tác giả khẳng định rằng:

Có 3 yếu tố làm cho khối cộng sản Đông Âu sụp đổ:

 

(1)            quần chúng ao ước dân chủ và tích cực tham gia cuộc đấu tranh.

(2)            có tổ chức chính trị đối lập mạnh, và

(3)            sự phục thiện của người cầm quyền.

 

Tác giả cũng khẳng định rằng sự sụp đổ Đông Âu là một hiện tượng nội tại không do ảnh hưởng từ bên ngoài.

 

Từ kết luận đó tác giả đặt một câu hỏi then chốt: "Tại sao ngày nay người dân Việt Nam đã không nổi dậy?". Và tác giả trả lời, vì: "dân lực suy kiệt", "dân tình chán nản, dân khí suy vi", "dân trí bị bưng bít, dân quyền bị chà đạp".

 

Trước bối cảnh đó tác giả vạch ra một đường hướng đấu tranh là "Phục hồi sự thật lịch sử" qua một chương trình ba bước.

 

Bước thứ nhất: giải tỏa huyền thoại Hồ Chí Minh bằng cách chứng minh rằng Hồ Chí Minh không thực tâm yêu nước và chỉ là một con người giả nhân giả nghĩa.

 

Bước thứ hai: vinh danh cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao bằng cách nghiên cứu và noi theo cuộc đấu tranh chính trị và ngoại giao của những người đi trước vào đầu bán thế kỷ thứ 20 như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh (dùng sức mạnh tư tưởng chính trị) Phạm Quỳnh, Bùi Quang Chiêu (đấu tranh pháp lý), Huỳnh Thúc Kháng (mặt trận ngôn luận).

 

 

Bước thứ ba: giải tỏa hào quang đảng cộng sản Việt Nam bằng cách chứng minh rằng không có đảng Cộng sản đất nước đã tránh được thảm họa chiến tranh mà vẫn được độc lập. Cuộc chiến chống Pháp giành độc lập 1946-1955 là một cuộc chiến vô ích.

 

 Sau đó cần "Khôi phục Niềm tin" bằng cách:

 

(1)       phát huy những lý tưởng truyền thống của dân tộc như

           tinh thần đại đồng, tinh  thần nhân bản, tinh thần dân chủ,

           tinh thần hiếu hòa, tinh thần bao dung.

(2)       đề cao Dân quyền.

(3)       đề cao Nho học

(4)       đề xướng Nhân quyền.

 

Đọc tác phẩm của luật sư Nguyễn Hữu Thống tôi có 4 nhận xét:

 

1.   Sự sụp đổ của Đông Âu do tác động bên trong. Điều này chỉ đúng một phần. Xuất phát từ bên trong (nổi dậy 1956, 1968 ... ), nhưng yếu tố quyết định từ bên ngoài. Nếu không có chính sách glasnost và perestroika của Gorbachev làm cho dân chúng Đông Âu bớt sợ hãi và nhất là thái độ không can thiệp của Gorbachev vào cuối thập niên 1980 thì Đông Âu cũng khó chấm dứt được chế độ cộng sản.

 

2.   Nhân dân Việt Nam không nổi dậy vì dân tình suy kiệt. Nếu có suy kiệt là trong 15 năm đầu (1975- 1990). Từ năm 1991 trở đi dân số tăng lên hơn 70 triệu, 60% là giới trẻ. Hơn 2 triệu người Việt sống ở hải ngoại cũng rất năng động và trên căn bản chống chế độ cộng sản. Bản tính của dân tộc Việt Nam vốn thụ động, nhưng khi  bất mãn và được lãnh đạo sự bộc phát sẽ rất mãnh liệt. Vì vậy nguyên nhân chính của sự bất động hiện nay là thiếu lãnh đạo. Trong nước không có lãnh đạo chờ sự yểm trợ ở ngoài nước. Ngoài nước, trái lại, có tiềm năng nhưng không có lực lượng vì thiếu đoàn kết, thiếu đường lối.

 

3. Giải tỏa huyền thoại Hồ Chí Minh và giải tỏa hào quang đảng Cộng sản. Có thể hai việc này không còn cần thiết. Vì Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam không còn là huyền thoại trong nước nữa. Nhân dân trong nước đã quá chán ghét và không tin tưởng vào đảng cộng sản và "bác Hồ của đảng" nữa như họ đã tin trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946- 1954. Hiện nay tại Việt nam rất ít gia đình còn treo ảnh ông Hồ Chí Minh trong nhà (mặc dù lệnh treo ảnh ông Hồ ban hành sau năm 1975 chưa bao giờ được rút bỏ), và dân thường hỏi nhau: "đã lộng kiếng ảnh bác chưa?" Lộng kiếng nói lái là "liệng cống". Còn đảng thì nhân dân sợ nhưng coi khinh không muốn dính líu gì đến mình. Dân trong nước rất ít đọc báo và nghe đài nhà nước vì biết đó chỉ là sự tuyên truyền của đảng. Huyền thoại Hồ Chí Minh và hào quang của đảng cộng sản Việt Nam đã tan biến từ lâu trong lòng người Việt.

 

4.  Cuộc chiến tranh Pháp Việt 1946-1954 là vô ích. Tác giả cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã tạo ra 3 cuộc chiến vô ích. Cuộc chiến Pháp Việt (1946-1954), cuộc chiến thôn tính miền Nam (1955 – 1975) và cuộc chiến Cam bốt cuối năm 1978.

 

 

Ai cũng có thể thấy cuộc chiến thôn tính miền Nam 1955- 1975 là vô ích vì  chỉ để phục vụ quyền lợi của đảng cộng sản Việt Nam. Cuộc chiến với Cam bốt 1978 cũng có thể vô ích. Nhưng cuộc chiến Pháp Việt là một cần thiết. 

 

Viện dẫn của tác giả: Hiệp Ước Elysée ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa tổng thống Pháp Vincent Auriol với quốc trưởng Bảo Đại đã trao trả độc lập cho Việt Nam rồi, không cần một cuộc chiến để giành độc lập. Nhưng người Pháp có thành thật trong sự trao trả độc lập này hay không? Hay họ ký để có cớ huy động người Việt phía bên này giúp họ tái lập sự cai trị.

 

Cuộc chiến chống Pháp phát động từ cuối năm 1946 lúc đó đã được 3 năm và người Pháp đang gặp nhiều khó khăn trên chiến trường. Sau khi thua trận phải rút lui người Pháp vẫn còn ra sức phá chế độ của thủ tướng Ngô Đình Diệm cho đến khi người lính Pháp cuối cùng xuống tàu rời nước. Cái không may của Việt Nam là nếu không có cuộc kháng chiến chống Pháp đưa đến trận Điện Biên Phủ thì Việt Nam không thể độc lập nhưng cũng chính sự chiến thắng hoàn toàn của người cộng sản đã dẫn đến thảm trạng của đất nước hôm nay.

 

Những điểm khác biệt tôi nêu trên chỉ là những khác biệt về cách nhìn dữ kiện. Trên căn bản tôi đồng ý với kết luận của luật sư Nguyễn Hữu Thống: "Muốn giải thể cộng sản (tại Việt Nam) và xây dựng dân chủ (chúng ta) phải hy sinh chiến đấu.". Không có cái gì gọi là "bất chiến tự nhiên thành."

 

Kết luận này là một kết luận có tính chiến lược và là kim chỉ nam cho mọi cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản tại Việt Nam. Vấn đề còn lại là phải hy sinh chiến đấu như thế nào để đi đến thành công.

 

Trần Bình Nam (20 tháng 4, 2002)

 

BinhNam@aol.com

 

http://www.vnet.org/tbn